1. Bệnh cường giáp tự miễn là gì?
Bệnh cường giáp tự miễn hay còn gọi là bệnh Basedow, bệnh Graves, bệnh Parry, hoặc bướu giáp độc lan tỏa. Đây là một loại bệnh tự miễn, liên quan đến các rối loạn của hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức cho phép.
Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết nằm ở cổ, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc sản xuất ra hormone tuyến giáp giúp kiểm soát các hoạt động trọng yếu của cơ thể, bao gồm quá trình trao đổi chất, điều tiết lượng canxi trong máu, điều chỉnh thân nhiệt hoặc các chức năng của hệ thần kinh và tim mạch. Nếu cơ thể có quá nhiều lượng hormone này, sẽ dẫn đến bệnh cường giáp tự miễn.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh cường giáp tự miễn
Bệnh cường giáp tự miễn thường bắt nguồn từ những rối loạn của hệ thống miễn dịch. Điều này có nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể bị nhầm lẫn và tấn công ngược lại các mô khỏe mạnh. Đối với bệnh Graves, tuyến giáp sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng, từ đó khiến cho các chức năng của tuyến nội tiết này hoạt động bất thường và tiết ra quá mức lượng hormone thyroid.
Bệnh cường giáp tự miễn là một căn bệnh có tính di truyền trong gia đình, tuy nhiên nó không có khả năng gây lây nhiễm sang cho những người khác.
3. Triệu chứng của bệnh cường giáp tự miễn
Khi bị bệnh cường giáp tự miễn, bạn có thể gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:
- Thường xuyên mất tập trung
- Hay lo lắng, cáu kỉnh, mệt mỏi, bồn chồn trong người
- Ngực phát triển bất thường, đặc biệt ở nam giới
- Nhãn cầu lồi
- Các vấn đề về thị giác: gồm mắt mờ, chứng song thị, mất thị lực, đau mắt, sưng mí mắt hoặc viêm mắt
- Bướu cổ do tuyến giáp mở rộng
- Nhạy cảm với nhiệt độ
- Đổ nhiều mồ hôi
- Tăng tần suất đi tiểu
- Nhanh thèm ăn
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Run rẩy
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
- Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương
- Nhu động ruột thường xuyên
Ngoài những triệu chứng được liệt kê ở trên, có thể vẫn còn một số dấu hiệu khác không được đề cập đến. Nếu bạn thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4. Chẩn đoán bệnh cường giáp tự miễn
Để chẩn đoán chính xác bệnh cường giáp tự miễn, trước hết, bác sĩ sẽ khai thác những thông tin về bệnh sử cũng như các triệu chứng hiện tại của bệnh nhân. Ngoài ra, một số xét nghiệm cũng được yêu cầu thực hiện, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: FT3, FT4, TSH, TRAb
- Phóng xạ i-ốt
- Siêu âm
- Chụp CT
- Chụp X-quang
5. Phương pháp giúp kiểm soát bệnh cường giáp tự miễn
Để ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả bệnh cường giáp tự miễn, việc thay đổi những thói quen sinh hoạt và lối sống có thể giúp ích cho bạn. Điều này, bao gồm:
- Thực hiện một chế độ dinh dưỡng lành mạnh: chẳng hạn như bổ sung vitamin qua các loại thực phẩm như hoa quả, rau xanh, hạn chế tiêu thụ chất béo, các loại đồ uống có cồn hoặc đồ ăn đã qua chế biến
- Tạo lập thói quen tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Uống thuốc theo đúng liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ. Tránh việc sử dụng thuốc bừa bãi, bỏ thuốc giữa chừng hoặc uống không đúng liều. Điều này không những làm mất đi tác dụng của thuốc mà còn khiến tình trạng bệnh trở nên xấu đi.
- Lên lịch khám mắt thường xuyên
- Từ bỏ thuốc lá